Print

Thị trường bất động sản "chao đảo” vì công văn của Bộ Tài chính

(NTD) - Danh sách 60 khu đất đã được chuyển mục đích sử dụng để đầu tư dự án trải dài từ Bắc tới Nam mà Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo, khiến người tiêu dùng hoang mang. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, có thanh tra thì cũng là chuyện hết sức bình thường nhưng Bộ Tài chính đã tạo ra một cách hiểu không rõ ràng qua công văn kiến nghị khiến nhiều chủ đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn.

 

Ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín doanh nghiệp

Theo công văn số 2000/BTC-TTr ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ có phần phụ lục, gồm 60 dự án bất động sản mà Bộ Tài chính cho rằng “có vấn đề về đất đai”.

Việc công bố danh sách khiến không ít doanh nghiệp địa ốc lao đao vì liên tục nhận điện thoại từ khách hàng thắc mắc tại sao dự án có tên trong danh sách. Thậm chí tại một số dự án đã và đang đi vào giai đoạn bàn giao, khách hàng cũng rất bất ngờ về thông tin này.

                                                                                                                                             

      Thị trường bất động sản chao đảo vì công văn của Bộ Tài chính. Ảnh: Nguyên Vũ

Bức xúc trước việc “họa vô đơn chí”, một lãnh đạo doanh nghiệp (xin giấu tên) cho rằng: “Trong bối cảnh có nhiều tin nóng sốt, việc xuất hiện vị trí khu đất, dự án của mình đi kèm với hai chữ thanh tra khiến bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ xem là tin xấu và nhạy cảm".

“Tôi nghĩ trong công văn của Bộ Tài chính là gửi để tham khảo. Chúng ta có thể hình dung, cấp trên và cấp dưới trao đổi công việc. Cấp dưới nói, dạ em báo anh là hiện có 60 dự án đã thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, đúng với yêu cầu thống kê của anh, em gửi anh tham khảo. Chứ em không nói là trong đám 60 dự án này, ai vi phạm hay không vi phạm, không hề có chữ đề xuất thanh tra bằng hết 60 dự án này” - vị lãnh đạo trên phân tích.

Một doanh nghiệp khác cũng cho rằng, việc có thông tin bị thanh tra khiến khách hàng có suy nghĩ dự án đang có vấn đề. Đối với khách hàng có khả năng mua hoặc đang dự định mua nhưng nghe tên dự án bị thanh tra thì họ chùn bước. Điều này ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến tiến độ kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chưa phải là quyết định thanh tra cụ thể một ai, nhưng dư luận đang hiểu là doanh nghiệp này bị thanh tra, dự án kia bị thanh tra khiến uy tín chúng tôi sụt giảm” - đại diện một doanh nghiệp nói.

Công văn Bộ Tài chính liệu có bất cập?

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tư vấn bất động sản, cho rằng: “Việc định giá đất như thế nào trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đó là chuyện của Nhà nước chứ không phải các doanh nghiệp làm sai. Có sai thì cũng là do Nhà nước, ông phải thanh tra các sở, ban, ngành, cục thuế các tỉnh thành, thậm chí là UBND địa phương đó chứ không phải là doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Quang, thứ nhất danh sách trên chỉ là danh sách tham khảo và việc thanh tra kiểm toán là chuyện hết sức bình thường không có vấn đề gì hết, chỉ có trường hợp sai phạm thì mới sợ.

Thứ hai, quy trình thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp không can thiệp, doanh nghiệp đi làm dự án và phía chính quyền báo cần nộp bao nhiêu tiền theo định giá đất thì nộp thôi, doanh nghiệp không hề sai phạm.

Theo công văn 2000/BTC-TTr, Bộ Tài chính cho rằng nhiều dự án chưa xác định giá đất chưa đầy đủ và đúng với giá thị trường. Bộ này cũng đánh giá việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. Như vậy, nếu trong thời gian tới có thanh tra những người lo lắng sẽ là UBND tỉnh, thành phố, sở, ban, ngành vì đã cấp phép, phê duyệt để các doanh nghiệp triển khai dự án bán cho khách hàng.

Ngoài ra, nội dung công văn của Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi dự án đang trong quá trình xin thủ tục đầu tư, từ định giá đất, xét quy hoạch, cấp phép xây dựng, Bộ Tài chính không kiểm tra để phát hiện sai phạm. Khi các dự án đã và đang thi công, có nghĩa đã đủ điều kiện theo pháp luật, thậm chí đã bán nhà cho khách hàng lại kiến nghị dừng thi công, việc này dư luận đánh giá chẳng khác nào nói các cơ quan cấp phép cho dự án làm sai (!?).

Vẫn biết, mục đích chính của Bộ Tài chính là tránh thất thoát tài sản Nhà nước và xác định số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu đình chỉ thi công hàng loạt dự án như kiến nghị của Bộ Tài chính thì hậu quả sẽ khó lường. Người mua nhà hoang mang, doanh nghiệp địa ốc lao đao, tệ nhất là kéo theo sự xuống dốc của thị trường bất động sản.

Nguyên Vũ (NTD)